Bài Đăng Mới

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Trồng tre luồng lấy măng

Làm chơi ăn thiệt
Thứ ba, 9/10/2012, 07:04 GMT+7
Ông Đỗ Tiến Phúc (bên phải) và cán bộ Hội Nông dân xã tham quan mô hình trồng tre luồng của ông Phúc.

Theo chân ông Nguyễn Văn Hiệp, Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Tân Rú, xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) chúng tôi đến tham quan mô hình trồng tre luồng lấy măng của ông Đỗ Tiến Phúc. Ông Phúc cho biết, nắm bắt nhu cầu về măng tre để làm thực phẩm, nhu cầu về cây tre để làm vật liệu trong xây dựng, trong sản xuất nông nghiệp (làm chuồng trại nuôi gà, làm trụ nhà lưới, làm bàn ghế, chòi trại)… ngày một tăng, trong khi đất trồng tre, số hộ trồng tre ngày càng giảm dần, tre ngày một khan hiếm, năm 2007, ông Phúc quyết định mua 600 gốc tre luồng về trồng ven bờ suối và những vùng đất trũng trong vườn. “Trồng tre quanh bờ suối vừa tận dụng triệt để nguồn tài nguyên đất, vừa có măng, có tre để bán” - ông Phúc nói. Sau 2 năm trồng, nhờ thổ nhưỡng phù hợp nên vườn tre của ông Phúc phát triển mạnh và cho thu hoạch măng. Ông Phúc bắt đầu thu hoạch tỉa và chừa lại những mục to để phát triển thành tre. Năm 2011, ông Phúc thu được hơn 3 tấn măng; với giá bán từ 13.000 đồng - 15.000 đồng/kg, ông thu được hơn 40 triệu đồng và bán gần 1.000 cây tre với giá 15.000 đồng - 20.000 đồng/cây, thu được gần 20 triệu đồng. Ông Phúc ước tính vụ măng năm nay cũng không thua năm ngoái.
Theo kinh nghiệm của ông Phúc, đặc tính của giống tre luồng là có măng mọc quanh năm, phát triển rộ thành từng đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 2 tháng rồi ít dần khoảng 2 tháng và tiếp tục cho măng nhiều lại. Chăm sóc tre rất dễ, tuy nhiên để tre cho nhiều măng và măng lớn thì phải tưới tạo ẩm cho tre vào mùa khô, khoảng 1 tuần/lần và bón thêm phân NPK hoặc phân chuồng vào những gốc tre ở độ 1 năm tuổi (tre chuẩn bị cho măng) để tre cho nhiều măng hơn.
Ông Huỳnh Hữu Tình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tân, nhận định, tre là loại cây nhiều hữu ích trong đời sống và sản xuất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng cũng rất lớn, vì vậy, đây là mô hình có nhiều triển vọng để phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là những nơi có vùng đất trũng thấp.
Bài, ảnh: DƯƠNG TẤN LINH
(Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét